Kết quả trên được Cushman & Wakefield ghi nhận trong Báo cáo cập nhật về thị trường bất động sản Khu công nghiệp TP.HCM quý II/2023 vừa công bố.
Theo Cushman & Wakefield, quy trình đền bù và thủ tục pháp lý chậm dẫn đến không có khu công nghiệp mới nào được ghi nhận trong quý II/2023. Tổng nguồn cung ổn định với 28.000 ha diện tích đất cho thuê, tăng 1% so với cùng kỳ.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại nhưng thị trường vẫn ghi nhận nhiều nhu cầu đối với đất khu công nghiệp ở phía Nam, với lượng hấp thụ thuần hơn 70 ha, các dự án đầu tư mới và tăng vốn như thương vụ thuê đất đến từ tập đoàn nước giải khát đa quốc gia ở Long An và tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng tại Bình Dương. Những thương vụ này giúp cho tỷ lệ lấp đầy giữ mức ổn định ở 81%.
Giá chào thuê sơ cấp của đất khu công nghiệp khu vực phía nam được ghi nhận 165 USD/m2 đất/thời hạn thuê, tăng 2,5% theo quý và tăng 10% theo năm, do nguồn cung đất khu công nghiệp có sẵn còn hạn chế, đồng thời chi phí đầu tư và đền bù tăng.
Theo Cushman & Wakefield, không có nguồn cung khu công nghiệp mới nào được ghi nhận trong nửa cuối năm 2023, nhưng năm 2024 sẽ đón thêm khoảng 1.800 ha diện tích đất công nghiệp mới, tập trung ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Nguồn cung đất công nghiệp trong tương lai sẽ tăng đáng kể, ước tính 2026 sẽ có thêm 5.254 ha, sau khi chính quyền các địa phương hoàn tất việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển của tỉnh.
Trong quý II/2023, phân khúc nhà xưởng xây sẵn đón nhận nguồn cung mới khoảng 45.000 m2 từ hai dự án tại tỉnh Đồng Nai và Long An, chủ yếu bởi các chủ đầu tư trong nước, nâng tổng nguồn cung toàn thị trường lên 5.060.000 m2, tăng 3,3% theo quý và 5,5% theo năm.
Nhu cầu đối với nhà xưởng xây sẵn chủ yếu đến từ doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số giao dịch cho thuê đã diễn ra ở các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Đồng Nai và Long An, hấp thụ 54.000 m2. Trong đó, giao dịch nhà xưởng tại TP.HCM và Đồng Nai trong thời gian qua chủ yếu đến từ loại hình nhà xưởng cao tầng với lượng hấp thụ khá tốt. Tỷ lệ lấp đầy ghi nhận giảm 2 điểm phần trăm theo quý, và giảm 10 điểm phần trăm theo năm, đạt 76%.
Giá thuê duy trì ổn định với mức 4,6 USD/m2/tháng, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ do sự xuất hiện của một vài dự án nhà xưởng quy mô lớn và nhà xưởng cao tầng. Giai đoạn năm 2023 đến 2026, thị trường dự kiến sẽ đón nhận thêm 2.200.000 m2, với mức tăng trưởng hàng năm đạt 10,8%. Một số dự án nổi bật như KCN Việt Nam Phú An Thạnh – giai đoạn 2, Long Hậu 3A giai đoạn tiếp theo, và GT Industrial II.
Còn đối với nhà kho xây sẵn, thị trường được duy trì chủ yếu bởi nhu cầu trong nước, trong khi nhu cầu từ các ngành sản xuất và xuất khẩu chững lại. Nhu cầu đối với loại hình nhà kho được duy trì chủ yếu bởi khu vực nội địa (ngành bán lẻ, thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần phục vụ thị trường nội địa).
Tuy nhiên, nhu cầu từ lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đã giảm đáng kể. Điều này dẫn đến mức hấp thụ thuần chỉ đạt 6.400 m2 và tỷ lệ lấp đầy đạt 73%, ổn định theo quý nhưng giảm 4 điểm phần trăm theo năm.
Cũng theo báo cáo, Cushman & Wakefield ghi nhận gần 46.000 m2 nguồn cung mới đến từ một dự án hạng A tại TP.HCM là Emergent Lê Minh Xuân 3, nâng tổng nguồn cung toàn thị trường lên 5.130.000 m2, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Giá thuê trung bình nhà kho xây sẵn đạt 4.4 USD/m2/tháng, tăng nhẹ 0,5% theo quý và 3,6% theo năm nhờ giá thuê ổn định tại các dự án hiện hữu và giá thuê từ nguồn cung mới chất lượng cao trong thời gian gần đây.
Dự kiến đến năm 2026, thị trường sẽ có thêm 1.300.000 m2 nhà kho, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 5,1%. Khi thị trường trở nên cạnh tranh hơn với nguồn cung kho xưởng xây sẵn dồi dào, các chủ đầu tư có thể phải đưa ra các chính sách và ưu đãi thuê hấp dẫn hơn để thu hút khách thuê. Các dự án nổi bật như ICD Long Bình hay Cainiao Giang Điền.