Linh đinh tình phù sa tập hợp 12 truyện ngắn của tác giả Tống Phước Bảo

[Thuonghieuvacuocsong.com.vn] Linh đinh tình phù sa tập hợp 12 truyện ngắn lấy bối cảnh miền Tây sông nước của nhà văn Tống Phước Bảo. Vạn muôn mảnh đời cơ cực hiện lên rõ nét; nhưng dù ngặt nghèo, chông chênh cách mấy, thì đâu đó vẫn đượm lên một chữ “tình” mà cơ hồ chẳng ai thoát được.


Chữ tình quấn lấy những nhân vật trong Linh đinh tình phù sa, dắt dìu họ đi qua nỗi buồn, dẫn họ chạm đến niềm vui. Chữ tình khiến họ đắng đót với nỗi đau nhưng cũng là niềm thương để họ bám víu mà sống cho trọn đoạn đời phù sinh. Bởi chưng, người miệt thứ buồn đó rồi lại vui đó, như sóng nước xứ này vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời vẫn dâng người những mùa màng tốt tươi.



Tống Phước Bảo rất xem trọng yếu tố thiên nhiên, nhà văn dùng thiên nhiên để nói lên tâm tư con người. Ngay từ cách đặt tiêu đề, anh đã cho người đọc thấy rõ điều đó. 12 tiêu đề cho 12 truyện ngắn đều lấy những yếu tố thuộc về thiên nhiên, mùa màng để đặt tên: Như lục bình trôi, Mùa so đũa trổ bông, Dòng trôi, Đò qua sông vắng, Câu hát linh đinh, Ráng chiều cù lao, Mây về cố quận, Chiếu không, Mưa miền Cố Giang, Cách một quãng đồng, Ong bầu đậu đọt mù u, Con cá làm ra con mắm.


Chính vì vậy, những đoạn miêu tả sông nước trong truyện không đơn thuần là miêu tả phong cảnh để làm tiền đề dẫn nhập vào truyện hay giới thiệu phân cảnh mới; ngược lại, phần nào đó, đã chính là truyện, bởi lẽ từng biến động của sông nước cũng là từng biến động của lòng người.


Sông nước không chỉ đem lại nguồn cảm hứng cho Tống Phước Bảo kể chuyện mà còn thúc đẩy nhà văn tìm cách vận dụng chữ sáng tạo để diễn tả lại một khái niệm quen thuộc. Chẳng hạn như, thay vì viết “tận cùng”, “cuối cùng”, tác giả sẽ lựa chọn viết chữ “cạn cùng” nhiều hơn để diễn tả ý niệm về việc chạm đến điểm kết thúc:


“Má bảo thôi cứ vậy mà để má sống khỏe thêm chừng nào hay chừng đó, nhà làm gì có trăm triệu đồng mà chạy chữa, ai rồi cũng tới lúc heo may gõ ngang đời mình, cạn cùng cuộc đời má muốn nằm ở đất quê.”


Trong Linh đinh tình phù sa, Tống Phước Bảo đã vận dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn những phương ngữ miền Tây nhưng không hề khiến cho độc giả cảm thấy suồng sã; ngược lại, những câu chữ vẫn rất đậm tính văn chương, có sự thể nghiệm sáng tạo trong cách kể chuyện.


Những tác phẩm trong tập truyện ngắn Linh đinh tình phù sa thường có lối vào đề trực diện, nhanh gọn, đúng như tính cách thật thà, thẳng thắn của người miền Tây. Chẳng hạn, truyện Như lục bình trôi đã bắt đầu ngay bằng cảnh xung đột, thể hiện được lập tức vấn đề cốt lõi mà nhân vật phải đối diện chỉ bằng một câu văn đơn giản: “Một tối, má Dũng hoảng hồn khi thấy thằng con quấn cái mền, lấy cây son của chị nó tô môi đỏ choét, đứng trong phòng mà múa hát.”


Bên cạnh đó, cách trình bày đối thoại của những truyện ngắn trong Linh đinh tình phù sa cũng là điểm đặc biệt cần phải nhắc đến. Thoại của các nhân vật không được đặt trong ngoặc kép mà viết liền mạch với lời kể chuyện. Ngoặc kép vốn là một yếu tố thị giác giúp người đọc dễ xác định được thoại bắt đầu từ đâu đã bị tác giả loại bỏ. Nguyên nhân có lẽ là vì khi làm như thế thì tâm tư bên trong và tiếng nói thốt ra bên ngoài của nhân vật sẽ bị tách biệt. Thế nhưng, các nhân vật miền Tây trong truyện vốn không phân tách cái bên trong và cái bên ngoài rạch ròi như thế. Họ chân chất, trong-ngoài hay trước-sau đều như một nên để thoại nối liền lời dẫn truyện chính là để tâm tình của họ miên man hơn, hòa lẫn vào nhau như cách mọi dòng sông ngoài kia vốn đều là một, ranh giới do con người tự đặt ra chỉ là để dễ bề phân định nơi chốn.


Linh đinh tình phù sa mang đến cho người đọc bầu không khí ấm cúng như đang tham gia vào một cuộc trà dư tửu hậu thân mật giữa bạn bè – trong đó, mọi người cùng góp chuyện và đưa ra những lời bình luận. Cảm giác này được hình thành là do Tống Phước Bảo thường xuyên vừa kể chuyện, vừa bình luận. Hãy thử khảo sát đoạn văn sau:


“Trai tráng xứ Xà No lên thành thị kiếm đường mưu sinh. Đàn bà thì ngược về Long Xuyên hay Cần Thơ đi ở đợ. Nghe xót xa gì đâu đó chèn! Nhưng mà cái thắt thẻo nhất là con gái Xà No nức tiếng da trắng dáng xinh, mặt sáng như trăng gieo neo phận mình vào mấy cái quán xanh đỏ đèn màu trên Sài Gòn. Mấy cái quán đêm hay ngày thì cũng tối thui, âm u. Ờ, âm u như đời của đàn bà con gái xứ Xà No.”




“Nghe xót xa gì đâu đó chèn!”, và “Ờ, âm u như đời của đàn bà con gái xứ Xà No,” là hai câu cảm thán của riêng người viết được chen vào. Trong những trang văn ngày xưa, kiểu lời bình như thế này rất thường gặp. Nhưng trong văn học đương đại sau này, lối viết chen ngang câu cảm thán không còn xuất hiện thường xuyên.


Quay ngược lại dòng lịch sử văn chương, khi chủ nghĩa hiện đại ra đời đã nhấn mạnh yếu tố cách tân kĩ thuật, những đại tự sự mang tính thời đại; sau đó là chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện với tính chất vừa tiếp nối vừa tìm cách phản biện chủ nghĩa hiện đại bằng việc nhấn mạnh hơn đến tiểu tự sự, tính cá nhân độc nhất hơn là tính đại diện thời đại, bên cạnh đó là những phá cách nhiều hơn nữa trong lối kể chuyện. Trải qua một tiến trình văn chương như thế, ở những tác phẩm sau này, để câu chuyện có vẻ mang tính khách quan, lời bình của người viết thường sẽ ít xuất hiện.


Trong văn học Việt Nam, vì những ảnh hưởng từ văn học phương Tây, lối văn có kèm lời bình cũng ít xuất hiện dần. Tuy vậy, phong cách vừa kể chuyện vừa bình luận có lẽ lại là một trong những đặc điểm quan trọng của văn học phương Đông. Khi chọn cách viết truyền thống như thế này, Tống Phước Bảo đã có ý thức quay về cội nguồn phương Đông, giống như cách Nguyễn Du cũng thường cất lên tiếng than, lời bình của chính mình về phận đời xót xa của phụ nữ trong Truyện Kiều: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”

Như vậy, mối quan hệ tam giác chứa đựng nhiều khoảng cách giữa người viết – nhân vật – người đọc đã không được tạo ra trong Linh đinh tình phù sa. Thay bằng hình tam giác, ta có một vòng tròn – vòng tròn mà bạn bè ngồi quây quần bên nhau để kể chuyện. Ở đó, có lúc thì nhân vật lên tiếng (qua những lời thoại), có lúc thì người viết lên tiếng (qua lời kể và bình), còn người đọc tuy lúc nào cũng im lặng lắng nghe cuộc đối thoại tung hứng đầy tự do, hào sảng giữa người viết và nhân vật nhưng hẳn là trong lòng luôn có những tiếng nói đồng cảm – tiếng nói này tuy vô thanh nhưng sẽ còn vang vọng mãi trong tâm trí kể cả khi những trang cuối cùng của quyển sách đã khép lại từ rất lâu.