Xúc tiếc và đẩy mạnh kết nối kinh doanh giữa Việt Nam - Ba Lan

[Thuonghieuvacuocsong.com.vn] Hôm 24/2, hội thảo “Kết nối kinh doanh Việt Nam - Ba Lan” diễn ra với sự tham dự của nhiều đại diện Việt Nam và Ba Lan.



Sự kiện có sự góp mặt của bà Bozena Wróblewska - Chủ tịch TTXT - Phòng Thương mại Ba Lan, ông Lech Kolakowski - Thứ trưởng Nông nghiệp Ba Lan, ông Alexander Nowakowski - Bí thư Thứ Hai, ĐSQ Ba Lan tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó GĐ VCCI HCM, ông Pawel Niemczuk - tổng Thanh tra ngành thú y, ông Piotr Harasimowicz - Cơ quan Đầu tư và thương mại Ba Lan, ông Piotr Ziemann - Chủ tịch Hiệp hội sản xuất thịt chế biến Ba Lan… Tại đây, các bên chia sẻ nhiều thông tin xoay quanh tiến triển hợp tác giữa hai quốc gia.


Trong suốt hơn 7 thập kỷ, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 04/02/1950) đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ban Lan luôn được củng cố không ngừng về mọi mặt, trong đó có quan hệ thương mại và đầu tư. Đặc biệt, việc thực thi hiệp định EVFTA đã góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương Việt Nam - Ba Lan trong lĩnh vực này.



Về quan hệ thương mại, Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU). Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Ba Lan xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với tổng trị giá đạt trên 375 triệu USD, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2021. Chiều ngược lại, Ba Lan nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với tổng trị giá đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021.


Trong thương mại hai chiều Ba Lan luôn nhập siêu hàng hóa từ Việt Nam, trong đó năm 2022 nhập siêu lớn nhất, đạt trên 1,9 tỷ USD tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021.Trừ các mặt hàng: máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm từ sắt thép, thủy sản đều được XNK giữa hai bên; các mặt hàng còn lại đều có tính chất bổ trợ lẫn nhau trong thương mại Ba Lan - Việt Nam. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng XNK giữa hai nước gần đây có xu hướng giảm dần; trong khi đó tiềm năng, các cơ hội kinh doanh còn rất lớn. Do vậy, rất cần chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức xúc tiến và cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Ba Lan tăng cường nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến, giao thương, kết nối kinh doanh để đẩy mạnh quan hệ thương mại Ba Lan-Việt Nam.




Riêng về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy Việt Nam và Ba Lan đều là hai quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này, nhưng sản phẩm của hai bên về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Ba Lan hiện có nhu cầu lớn những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: hàng thủy sản (cá tra, cá basa, tôm, …); nông sản (cà phê, hạt tiêu, gạo, chè, sản phẩm xoài, dứa, chanh leo,…); … Ngược lại, Ba Lan có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng như thực phẩm tươi và chế biến, trái cây tươi và đóng hộp, chiết xuất trái cây đậm đặc, thịt bò, thịt cừu, thịt heo… có chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn của EU. Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao nhiều năm của Ba Lan, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm để cải tiến công nghệ nông nghiệp bao gồm đầu tư vào nông nghiệp chuyên ngành, phân bón và máy móc.


Về quan hệ đầu tư, lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/01/2023, Ba Lan đã đầu tư vào Việt Nam với 29 dự án, tổng vốn đăng ký trên 422 triệu USD, xếp thứ 36 trên 142 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 2/2022, Việt Nam đã đầu tư vào Ba Lan với 4 dự án, tổng vốn đăng ký gần 5 triệu USD. Ba Lan là thị trường đầu tư xếp thứ 44 trên 78 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư.


Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ba Lan tuy có bước phát triển đáng kể nhưng vẫn chưa xứng tầm với quan hệ hữu nghị truyền thống và tiềm năng phát triển của hai bên. Một trong những rào cản cơ bản chính là việc hai bên thiếu thông tin về thị trường của nhau. Do vậy, việc Trung tâm Xúc tiến - Phòng Thương mại Ba Lan thường xuyên phối hợp cùng VCCI HCM tổ chức các hoạt động giao lưu kết nối như hôm nay, đặc biệt là nhân dịp Ngài Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan sang thăm Việt Nam sẽ là kênh thông tin hiệu quả và thiết thực về tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai nước.



Phát biểu tại hội thảo kết nối kinh doanh Việt Nam-Ba Lan diễn ra ngày 24/2 tại TPHCM, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó GĐ VCCI HCM nhấn mạnh, thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ban Lan luôn được củng cố không ngừng về mọi mặt, trong đó có quan hệ thương mại và đầu tư. Đặc biệt, việc thực thi hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương Việt Nam - Ba Lan trong lĩnh vực này.


Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) đã được ký kết ngày 30/6/2019, trong đó EVFTA đã được hai bên phê chuẩn, có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020. EVFTA đã có hiệu quả rõ rệt ngay sau 1 năm thực thi: năm 2021 XK của Việt Nam tăng 18,9%; NK của Việt Nam tăng 26,7%. Ấn tượng hơn, XK của Ba Lan năm 2021 sang Việt Nam tăng 49,8%; NK của Ba Lan từ Việt Nam tăng 16%.


Phía Việt Nam mong muốn Ba Lan tiếp tục ủng hộ để nghị viện tất cả các thành viên EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), cũng như ủng hộ để EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU với các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ có tác động tích cực giúp nâng tầm quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Ba Lan lên tầm cao mới.


Chia sẻ tại hội thảo, ông Lech Kolakowski, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ba Lan nhấn mạnh đoàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ba Lan hiện đang xúc tiến nhiều chương trình hợp tác với Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam để có thể tăng cường hợp tác đầu tư giữa DN hai nước trong thời gian tới.