Nơi nào có mùa hoa tím ngập tràn đẹp nhất Việt Nam?

[Thuonghieuvacuocsong.com.vn] Nếu ai mê mẩn màu hoa tím, thích thú tận hưởng cảm giác săn mây và khao khát chinh phục những cung đường vượt núi thì không thể nào bỏ qua đỉnh Tà Chì Nhù, nơi được gọi tên là “nóc nhà Yên Bái”, nơi những cánh hoa chi pâu nở tím khắp cả sườn đồi.


Đứng vị trí thứ 7 trong top 10 các đỉnh núi cao nhất Việt Nam, đỉnh Tà Chì Nhù còn được nhắc đến với cái tên “thiên đường mây nơi hạ giới” với độ cao 2.979 m và được chinh phục bởi các du khách lần đầu tiên vào năm 2013. 

Tà Chì Nhù thuộc một phần của khối núi Pú Luông, thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Đây là một đỉnh núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn có địa hình khá phức tạp, với nhiều vách núi cao dựng đứng và khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Theo cách gọi của người Thái, đỉnh núi này có tên là Phu Song Sung, dân tộc Mông thì gọi với tên Chung Chua Nhà. 

Với khung cảnh nên thơ, núi cao trập trùng và các triền đồi trải đầy hoa cỏ, Tà Chì Nhù trong ánh nhìn của nhiều người như một thảo nguyên cổ tích. Giữa mênh mông bạt ngàn hoa tím, ngựa và dê nhởn nhơ gặm cỏ giữa các triền đồi. Cảnh sắc tựa như một bức tranh thủy mặc nịnh mắt người nhìn. Tuy nhiên ở một thời điểm khác, Tà Chì Nhù còn được gọi là “vương quốc nắng và gió”, một Tà Chì Nhù khắc nghiệt gay gắt dưới nắng hè.

Cuối thu, Tà Chì Nhù phủ một màu tím biếc sắc hoa chi pâu

Vào khoảng trung tuần tháng 9 đến tháng 10 hàng năm, trên khắp các dải đồi, sườn núi Tà Chì Nhù lại phủ kín một màu tím hoang sơ nhưng mê đắm. Từng dải lụa tím từ các chùm hoa chi pâu nở rộ cả triền đồi. Khoảnh khắc ngắm nhìn hoa chi pâu tuyệt vời nhất chính là dưới ánh bình minh, khi đó hoa như một nàng công chúa đẹp rạng ngời giữa núi rừng Tây Bắc.

Chi pâu - theo tiếng H’Mông có nghĩa là “không biết”. Bắt nguồn từ câu trả lời của người bản địa khi các du khách hỏi tên hoa là gì, họ trả lời chi pâu. Bởi chẳng ai biết loài hoa này tên gì và có nguồn gốc từ đâu. Từ đó cái tên chi pâu mặc nhiên gắn với loài hoa tím này như một sự nhầm lẫn vô cùng đáng yêu.

Thực ra hoa chi pâu có tên khoa học là Swertia (cỏ Mật Rồng), thuộc họ Long đởm. Hoa nở từng chùm, có nụ nhỏ, bông li ti có mùi phảng phất và mọc theo dải như những cánh đồng tam giác mạch ở Hà Giang. 

Không tím đậm như hoa oải hương, cũng chẳng thua kém gì những cánh đồng violet của trời Âu. Chi pâu Tây Bắc sở hữu sắc tím dịu dàng pha chút sắc trắng ngọc mỏng manh, càng làm tăng thêm nét tinh khiết đến mê hoặc bất kỳ một ánh mắt nào.

Người ta nói, chi pâu cũng giống như con gái có thời, bởi không phải lúc nào cũng hoa cũng nở rộ sắc tím. Phải đúng thời điểm cuối thu, đầu đông, khi đất trời Tây Bắc se se lạnh. Các cánh hoa mới bắt đầu bung nụ, khoe sắc khắp núi đồi, tựa như món quà quý giá của đất trời giữa miền sơn cước.

Chốn thần tiên nơi hạ giới, chỉ cần đưa tay đã chạm tới mây trời

Thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp mây trời hòa quyện cùng sắc tím chi pâu là vào khoảng tháng 10 đến tháng 3 sang năm. Khi đó, thật dễ dàng để hòa mình vào đại dương mây. Những áng mây giờ đây không còn cao và xa xôi vời vợi mà đang trôi lững lờ ngang tầm mắt, chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm tới được.

Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ với những ai đã từng cắm trại qua đêm trên đỉnh núi chính là thức dậy thật sớm, đón ánh bình minh đầu tiên trên đỉnh Tà Chì Nhù và ngắm nhìn từng lớp mây bồng bềnh ngay dưới chân mình. Cảnh tưởng như mơ mà vô cùng thật đến mức phải ngỡ ngàng.

Những ngày đầu đông sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời cho hành trình khám phá đỉnh Tà Chì Nhù, khi thời tiết không quá lạnh và nắng không quá gắt để quá trình di chuyển đỡ bị mất sức. Khi đó, bầu trời sẽ trong xanh vừa đủ để làm nổi bật sắc trắng tinh khôi của những áng mây. 

Tà Chì Nhù hoang sơ nhưng đẹp đẽ, với những dải lụa chi pâu ngập sắc tím mộng mơ, núi non - mây trời hòa quyện, cảnh sắc nên thơ và con người như lạc vào chốn thần tiên giữa trần gian vội vã. Vẻ đẹp như chốn thiên đường này được ví như thành quả tyệt vời cho quá trình chinh phục những con dốc cao, những con đường mòn bóng cây thì ít mà sỏi đá thì nhiều. Một phần thưởng hẳn là vô cùng xứng đáng cho đoạn đường gian nan vất vả của khách bộ hành.

Dọc đường leo dốc Tà Chì Nhù, thỉnh thoảng sẽ bắt gặp cảnh tượng những đàn dê, đàn ngựa người Mông chăn thả đang thong dong gặm cỏ xen lẫn hoa lá, mây trời. Bức tranh thiên nhiên lại thêm phần cuốn hút khi đan xen hơi thở của muôn loài.